Là một điểm sáng về thu hút FDI, Hà Nam đang sở hữu những lợi thế rất riêng để có sức hấp dẫn và níu chân nhà đầu tư, tạo nên một thị trường bất động sản công nghiệp đầy tiềm năng và triển vọng trong năm 2019.
Sức hút mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư
Với vị trí ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, từ một tỉnh thuần nông, bằng những cơ chế, chính sách cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, Hà Nam đang dần khẳng định sức thu hút mạnh mẽ, đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hà Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trọng tâm là xây dựng môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã đưa ra 10 cam kết với nhà đầu tư gồm: cung cấp điện 24/24h; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đến chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục nhanh gọn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; giao đất không thu tiền để xây nhà cho công nhân; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; phục vụ hải quan nhanh gọn; đảm bảo an ninh trật tự, không đình – bãi công; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp.
Nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đã mở đường, trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, thu hút đầu tư tăng trưởng nhanh, luôn nằm trong Top 10 địa phương trên cả nước.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 240 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD; trong đó, các khu công nghiệp có 205 dự án FDI với vốn đăng ký gần 2,52 tỷ USD, ngoài các khu công nghiệp có 35 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186,5 triệu USD.
Chính sách tạo đà cho bất động sản công nghiệp phát triển
Hà Nam hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) gồm: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn và Hòa Mạc đã đi vào hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các KCN đã thu hút được 35 dự án, trong đó có 26 dự án FDI và 9 dự án trong nước, điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI và 07 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 291,2 triệu USD và 1.953 tỷ đồng, nâng tổng số các dự án trong các KCN của tỉnh lên thành 328 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 195 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 2.496,1 triệu USD và 133 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24.717 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN ước đạt 1.060 tỷ đồng và 380 triệu USD.
Như vậy, lũy kế đến hết 6 tháng năm 2018, vốn đầu tư đã thực hiện của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt là 11.131 tỷ đồng đạt 44,5% tổng vốn đầu tư đăng ký đối với doanh nghiệp trong nước và 1.480,18 triệu USD đạt 60,3% tổng vốn đầu tư đăng ký đối với doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, để tiếp tục thu hút đầu tư vào địa phương, trong thời gian tới, trên nền tảng những giải pháp, bài học thành công, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút gọn quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; vận dụng linh hoạt các chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trọng điểm.

Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách đặc thù với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh đối với doanh nghiệp. Các dịch vụ về cơ sở hạ tầng được cung cấp đến chân hàng rào doanh nghiệp và ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn điện và nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt tại các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống đến chân hàng rào doanh nghiệp.
Các khu công nghiệp và các doanh nghiệp đang hoạt động đều được quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt. Các dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, bảo vệ an ninh trật tự, tài chính ngân hàng… cũng từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng, số lượng
Đến năm 2020, dự kiến trong các khu công nghiệp tại Hà Nam có khoảng 500 dự án đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, với tổng vốn hơn 3 tỷ USD; số lao động làm việc tại các doanh nghiệp khoảng 70.000 – 90.000 người, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 35%, lao động nữ chiếm khoảng 70%; nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp khoảng 900 triệu kWh; nhu cầu sử dụng nước sạch khoảng 30.000 m3/ngày đêm; nước thải khoảng 25.000 m3/ngày đêm..
Vì vậy, tỉnh Hà Nam tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Hà Nam, đưa Hà Nam dần trở thành một trong những “thủ phủ” công nghiệp trọng điểm của miền Bắc, tạo bước đà cho sự bứt phá mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp Hà Nam trong năm 2019./.