
Xu hướng nở rộ đầu tư khu công nghiệp đã kéo theo xuất hiện nhiều loại hình khu công nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước lựa chọn để đầu tư tại dự án khu công nghiệp của mình. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là “Quy hoạch khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ có xu hướng như thế nào?”
Quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ
Theo đánh giá của IIP VIETNAM – Cổng thông tin bất động sản công nghiệp Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, trong quá trình đầu tư vào các khu công nghiệp thì một xu hướng mới đang dần được hình thành, đó là quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ.
Thực chất, quy hoạch theo mô hình này chính là kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của khu công nghiệp. Trong đó, mô hình phát triển song song giữ khu sản xuất công nghiệp và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí,… để tạo nên một môi trường sống và làm việc tốt cho người lao động và chuyên gia.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, trong mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ sẽ bao gồm các khu chức năng sau đây:
- Khu công nghiệp là khu chức năng chính.
- Khu đô thị – dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp.
Khu đô thị – dịch vụ trong mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế – xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.

Ngoài ra, quy mô diện tích khu đô thị – dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba (1/3) quy mô diện tích khu công nghiệp.
Các tiêu chí của mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ phải kể đến đó là:
- Quy hoạch công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, dịch vụ.
- Cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa.
- Các khu đô thị hiện đại với hệ thống tiện ích đồng bộ đáp ứng được nhu cầu riêng cho người lao động chất lượng cao như: chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật,… đang hình thành và được các nhà đầu tư hướng đến.
Xem thêm: Hậu Giang quy hoạch 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới
Lợi thế tất yếu của mô hình quy hoạch mới
Trong 2 năm trở lại đây, hầu hết các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp muốn hướng đến loại hình quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình này. Nếu phát triển được dự án khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi thế trong đó nổi bật lên là tăng sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà máy trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, việc tuyển dụng lao động cho các nhà máy trong các khu công nghiệp sẽ được dễ dàng hơn. Đây là điều mà các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp rất quan tâm.
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nói chung, đầu tư khu công nghiệp là một hình thức đầu tư đặc thù, không chỉ sử dụng quỹ đất lớn từ 75 ha trở lên, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hoặc hàng chục nghìn tỷ đồng, thời gian đầu tư, quản lý và khai khai thác vận hành kéo dài 50 năm và có thể tiếp tục được gia hạn. Đặc biệt đối tượng khách hàng phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển ở Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng là một việc vô cùng quan trọng, góp phần rất lớn vào việc thu hút đầu tư trong khu công nghiệp. Do đó, việc lựa chọn hình thức quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ sẽ tạo nên giá trị gia tăng cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm hàng hóa đặc thù.
Thực trạng áp dụng mô hình quy hoạch khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện nay
Thực tế, trên thế giới, quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ không phải là mới. Một số quốc gia đã được phát triển và vận hành rất tốt từ nhiều năm nay như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức…. Một điểm đặc biệt là mô hình này rất thích hợp với các quốc gia hướng tới phát triển mạnh về mảng xuất khẩu. Và với Việt Nam, đây chính là lúc thuận lợi cho việc hình thành các khu công nghiệp theo mô hình này.
Tại Việt Nam, rất nhiều chủ đầu tư lớn tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có xu hướng phát triển hạ tầng sản xuất gắn liền hạ tầng xã hội này như: VSIP, Becamex, Amata…

Một số khu tiêu biểu có thể kể tới như: Khu đô thị và công nghiệp VSIP 2 Bình Dương (nằm trong Khu đô thị Liên hiệp thành phố mới Bình Dương, quy mô 4196 ha); Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Bắc Ninh với tổng diện tích quy hoạch 700 ha; Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Hải Phòng có quy mô gần 1600 ha; Khu công nghiệp Sông Khoai 714 ha nằm trong quy hoạch tổng thể dự án Amata Hạ Long có diện tích quy hoạch 5.789 ha để phát triển thành phố công nghiệp hợp nhất hướng tới một thành phố thông minh trong tương lai,…
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, tại thời điểm quỹ đất ngày càng hạn hẹp, thì việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ trong chính các khu công nghiệp sẽ là chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất và giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất hơn.