Dòng vốn nước ngoài chảy mạnh cùng cơ chế và chính sách thông thoáng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Từ triển vọng chung của thị trường….
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang đặt Việt Nam trước cơ hội lớn, hiếm hoi của xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Chính điều đó tạo điều kiện cho bất động sản công nghiệp phát triển.
Theo đánh giá của chuyên gia, chiến tranh thương mại sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản khu công nghiệp (KCN) các tỉnh phía Bắc gần Trung Quốc như Hà Nam Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Giang,… trong năm 2019.
Quý IV/2018 cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn vốn kiều hối mạnh nhất trong năm. Trong khi tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư (Chứng khoán, vàng, ngoại tệ, tiền gửi Ngân hàng,…) thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt nhất.
Đến năm 2018, Việt Nam đã có 80.000 ha đất dành cho phát triển khu công nghiệp tập trung tại ba khu chính, bao gồm: Khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho rằng, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.

Nguyên nhân khiến cho bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trỗi dậy đó chính là chi phí sản xuất thấp hơn, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc, trong khi tại Trung Quốc chi phí giá đất đang tăng cao và chuyển sang lắp ráp sản phẩm công nghệ cao là chính…
Tất cả những thuận lợi này tạo đà tăng trưởng cho bất động sản công nghiệp Việt Nam có bước phát triển vượt bậc
Đến tiềm năng phát triển của riêng Hà Nam.
Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, cách Hà Nội 54 km, sân bay quốc tế Nội Bài 80 km và cảng biển Hải Phòng 100 km. Từ Hà Nam cũng dễ dàng liên kết với các tỉnh khác qua con đường huyết mạch 21A đi Nam Định, quốc lộ 38 đi Hưng Yên, đặc biệt là đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình song song với quốc lộ 1A. Vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông thuận tiện đã tạo ra lợi thế rất lớn cho Hà Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.
Năm 2018 vừa qua, Hà Nam đã thu hút 126 dự án đầu tư, trong đó có 46 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới là 445 triệu USD, xếp trong top 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 240 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD; trong đó, các khu công nghiệp có 205 dự án FDI với vốn đăng ký gần 2,52 tỷ USD, ngoài các khu công nghiệp có 35 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186,5 triệu USD.
Từ đầu năm 2018 đến nay, nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng chiếm 40,7% tổng thu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và bằng 32% tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2017.
Các doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho gần 58.300 lao động, bằng 44,3% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.911 tỷ đồng chiếm 52,04% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh…

Hà Nam đã có 6/8 khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch được triển khai đầu tư hạ tầng gồm: KCN Đồng Văn I, KCN Đồng Văn II, KCN Châu Sơn, KCN Hòa Mạc, KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I, KCN Đồng Văn IV với tổng diện tích 1.418 ha.
Trong đó, một số KCN có tỷ lệ lấp đầy khá ấn tượng như: KCN Đồng Văn I (diện tích là 221,2 ha) đã lấp đầy 100% diện tích; KCN Đồng Văn II (diện tích là 321 ha) đã lấp đầy 92,9% diện tích; KCN Châu Sơn (diện tích 377 ha) đã lấp đầy 88,4% diện tích. Một số KCN đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và sẵn mặt bằng cho nhà đầu tư thuê như: KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I (diện tích là 131,5 ha); KCN Đồng Văn IV (diện tích 300 ha); KCN Hòa Mạc (diện tích 131 ha).
KCN Thanh Liêm của Hà Nam đã được Chính phủ chấp thuận mở rộng diện tích lên 293 ha, trên cơ sở phát triển nâng cấp Cụm công nghiệp Kiện Khê diện tích 150 ha (đã cho doanh nghiệp thuê lấp đầy) và đầu tư mở rộng thêm 143 ha.
KCN Thái Hà đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực để xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và triển khai đầu tư hạ tầng.
Để có được những thành công trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp FDI vào các KCN của tỉnh, tỉnh Hà Nam đã có những đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư.
Các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hà Nam sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi tốt nhất theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư của Tỉnh để thu hút đầu tư.
Cụ thể, Tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp theo danh mục khuyến khích đầu tư; thực hiện Đề án đào tạo lao động ngành công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; giao Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tuyển lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu đầu tư tại Tỉnh bằng việc xây dựng nhà xưởng cho thuê tại các khu công nghiệp; thành lập các cơ quan hỗ trợ như: Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc (Korea Desk), Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản (Japan Desk).
Với tiến độ triển khai tốt, chất lượng khu công nghiệp đảm bảo, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là chính sách thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư góp phần quan trọng giúp thị trường bất động sản Hà Nam đang dần trở thành “hấp lực” đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy bất động sản công nghiệp Hà Nam khởi sắc./.