Là khu công nghiệp thuộc một số ít các dự án tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hội tụ đủ lợi thế từ 4 loại hình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển quốc tế và đường hàng không. Khu công nghiệp Trần Đề đang trở thành dự án thu hút nhiều ông lớn đầu tư.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Trần Đề là khu công nghiệp thứ hai của tỉnh Sóc Trăng và là khu công nghiệp đầu tiên do doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam và đến tháng 6/2020, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 828/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề do Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh (Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư dự án là 1.230,26 tỷ đồng. Dự án Khu Công nghiệp Trần Đề có tổng diện tích 160ha, được đặt tại ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).
Đây là khu công nghiệp thuộc một số ít các dự án tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hội tụ đủ lợi thế từ 4 loại hình giao thông: Đường bộ – Đường thủy nội địa – Đường biển quốc tế và đường hàng không. Về đường bộ, KCN Trần Đề nằm trên tuyến đường Nam Sông Hậu (quốc lộ 91C), cách thành phố Sóc Trăng 20 km. Về đường hàng không, dự án cách sân bay Tân Sơn Nhất 239 km, sân bay Cần Thơ 90km. Về đường thủy, KCN Trần Đề cách cảng Cái Cui 76km, cảng Cát Lái 200km. Về đường biển quốc tế, dự án cách cảng nước sâu Trần Đề 10km. Khi cảng Trần Đề ra đời, ngoài chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế sẽ kết hợp trung chuyển hàng hóa quốc tế.
KCN Trần Đề sở hữu vị trí đắc địa trong giao thông đường bộ, đường thủy lẫn đường biển.
Nhờ sở hữu vị trí chiến lược như vậy, Khu công nghiệp Trần Đề dễ dàng thông thương với các tỉnh trong nước và thị trường nước ngoài, giúp tối ưu hóa chi phí logistics cho các nhà đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường đầu tư và phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ và giàu tiện ích.
Theo Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Châu Hoàng Tú cho biết, hiện Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh đang trong giai đoạn xây dựng các trục đường giao thông, hệ thống thoát nước… và dự kiến cuối năm 2023 sẽ đón các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư. Nếu hoàn thành đi vào hoạt động, Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 lao động, góp phần rất lớn cùng tỉnh trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, Công nghiệp Trần Đề tập trung đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ, chủ yếu là công nghiệp nhẹ, sạch, ít gây ô nhiễm hay không có ảnh hưởng xấu đến khu vực xung quanh, trong đó, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực tận dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương và phục vụ cho cảng biển nước sâu của tỉnh.
Nỗ lực thu hút nhà đầu tư
Để thu hút được các “đại bàng về làm tổ” và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại dự án khu công nghiệp Trần Đề đã thực hiện một loạt hỗ trợ về các thủ tục hành chính, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, như: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê; hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định…
Quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Trần Đề.
Riêng đối với nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ được hưởng chính sách ưu đãi ở mức cao nhất về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách khác có liên quan.
Đặc biệt, ngoài các chính sách ưu đãi hấp dẫn, các doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư tại khu công nghiệp Trần Đề có điều kiện hoạt động thuận lợi và thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ những lợi thế tiềm năng, đặt biệt sẵn có tại khu công nghiệp Trần Đề như giao thông thuận lợi về đường thủy, đường bộ, tài nguyên thủy hải sản lớn… Những điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khi đầu tư tại khu công nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại địa phương. Đặc biệt chi phí vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh và nước ngoài thông qua cảng biển nước sâu sẽ thấp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, cho lợi cao hơn.
Ngoài ra, Sóc Trăng có nguồn lao động phổ thông dồi dào, đồng thời được địa phương này hỗ trợ đào tạo, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và khảo sát thực tế tại Khu Công nghiệp Trần Đề. Hiện nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm sớm đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tin rằng, với tiềm năng, lợi thế riêng biệt cùng sự nỗ lực tỉnh Sóc Trăng, Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển bền vững trong tương lai.