
Đề xuất quy hoạch 10 khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025
Theo Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đề xuất quy hoạch 10 khu công nghiệp giai đoạn 2021-2015. Cụ thể:
-
Huyện Châu Thành: Khu công nghiệp Đồng Phú, Khu công nghiệp Đông Phú – Giai đoạn 2, Khu công nghiệp Đông Phú – Giai đoạn 3, Khu công nghiệp Sông Hậu – Giai đoạn 2, Khu công nghiệp Sông Hậu – Giai đoạn 3 và Khu công nghiệp Phú Tân.
-
Huyện Châu Thành A: Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh – Giai đoạn 2, Khu công nghiệp Tân Hòa.
-
Huyện Phụng Hiệp: Khu công nghiệp Long Thạnh
Đề xuất 6 khu vực có vị trí liền kề KCN
Song song với đề xuất quy hoạch khu công nghiệp Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất 6 khu vực có vị trí liền kề khu công nghiệp để xây dựng các khu đô thị – dịch vụ, tái định cư, dân cư phục vụ khu công nghiệp có diện tích khoảng 654 ha. Trong đó có 4 vị trí trên địa bàn huyện Châu Thành, một vị trí tại huyện Châu Thành A và một vị trí tại huyện Phụng Hiệp.
Đề xuất quy hoạch 2 khu công nghiệp giai đoạn 2026-2030
Trong giai đoạn tiếp theo này, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề xuất quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Phú Hữu – Giai đoạn 1 và Khu công nghiệp Tân Thành. Cả hai đều thuộc thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tâm trung với tổng diện tích là 1.269 ha, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%. Trong đó hai khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 490 ha, đó là Khu công nghiệp Sông Hậu – Giai đoạn 1 (290 ha) và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh – Giai đoạn 1 (200 ha), cả hai đều đạt tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, như miễn và giảm thuế thu nhập DN, miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế suất, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật… Đồng thời, thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư; phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng nhiều kênh đối thoại với DN, nhà đầu tư và người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Ban hành công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư; Củng cố, kiện toàn tổ chức và nội dung hoạt động của hiệp hội DN.
Tỉnh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI), thành lập các tổ chuyên môn để giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan DN như: Tổ xúc tiến đầu tư, tổ xúc tiến thương mại – xuất khẩu hàng hóa, tổ đầu tư vùng nguyên liệu…
Với các giải pháp đồng bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hậu Giang đã có những bước tiến đáng kể, năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh đứng vị trí thứ 44 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2019, chỉ số này tiếp tục tăng 2 bậc so năm 2018, xếp hạng 42 trong số 63 cả nước, xếp hạng 8 trong số 13 của khu vực ĐBSCL, đưa tỉnh Hậu Giang quay trở lại nhóm điều hành kinh tế khá của cả nước. Năm 2020, chỉ số này tiếp tục tăng 3 bậc so năm 2019, xếp hạng 39 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
(Theo IIP Việt Nam)