Dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là ổn định. Chuyên gia dự báo nhu cầu thuê đất công nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Trước bối cảnh các thủ phủ công nghiệp cũ dần lấp đầy sẽ tiếp tục khiến giá thuê đi lên, một số dự án đã nổi lên.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra vào 2018 và từ đó đến 2022, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 13%, từ 69% còn 56% tổng xuất khẩu từ các nước kém phát triển ở châu Á (bao gồm cả Ấn Độ) sang Mỹ. Việt Nam đã có được khoảng một nửa thị phần xuất khẩu giảm của Trung Quốc, qua đó tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong các nước kém phát triển ở châu Á sang Mỹ từ 6% năm 2018 lên 13% vào 2022
Việt Nam hứa hẹn vẫn sẽ duy trì được dòng vốn FDI ổn định trong thời gian tới
Có thể nói, Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều lợi ích nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bởi ba thế mạnh quan trọng đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, từ đó dẫn đến việc xuất khẩu tăng mạnh. Đầu tiên và quan trọng nhất, mức lương tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi năng suất làm việc của nguồn nhân lực hai quốc gia tương đương nhau theo các cuộc khảo sát của JETRO và các tổ chức khác. Tiếp theo, Việt Nam có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Cuối cùng, Việt Nam có được nhiều thuận lợi từ hiện tượng “Friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư “Friendshoring” đã tăng đáng kể trong năm nay sau chuyến thăm Việt Nam của ông Antony Blinken cũng như phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay gồm các công ty hàng đầu của Mỹ. Cả hai sự kiện này đều diễn ra sau cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ông Nguyễn Phú Trọng.
Tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp Việt Nam
Việt Nam là điểm đến lý tưởng trong chiến lược Trung Quốc +1 của các nhà đầu tư nước ngoài
Ngay sau khi mở cửa trở lại sau dịch, những nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Điển hình là việc gã khổng lồ Foxconn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại đây, Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn này nghiên cứu thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu để mở rộng quy mô, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Sau đó, Samsung cũng nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên 20 tỉ USD, tập trung phát triển các nhóm ngành về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).
Quý 4/2022, thị trường đã ghi nhận một số giao dịch nổi bật. Tại phía nam, Matsuya R&D (Nhật Bản) đã đầu tư thêm khoảng 6,7 triệu USD vào dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Thêm vào đó, Giant Manufacturing (Đài Loan), tập đoàn nổi tiếng với các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp, đã đầu tư thêm 13 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP 2 (tỉnh Bình Dương). Tại phía bắc, giao dịch nổi bật có thể kể đến việc Taihan Precision Technology đầu tư 5,3 triệu USD tại Cẩm Giàng, Hải Dương.
Theo Kinh tế đô thị