Chuyển đổi số trong logistics được xem là hành động bắt buộc phải làm trong bối cảnh hiện tại. Hoạt động logistics kết hợp với chuyển đổi số vô cùng quan trọng, là phương thức hiện đại để kết nối giữa nhà sản xuất, người vận tải và người tiêu dùng tạo cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp logistics Việt Nam trong giai đoạn mới.
Kho hàng hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong khâu sản xuất. Ảnh: S.T
Liên kết để phát triển
Tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam chuyển mình phát triển” được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, cơ hội bứt phá logistics Việt Nam cho giai đoạn mới, đặc biệt là logistics thông minh, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Điều này đặt ra cho nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam nhu cầu thay đổi và “chuyển mình” theo xu hướng không thể đảo ngược với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.
Để phát triển hạ tầng, thu hút, phát triển logistics, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hoạt động logistics kết hợp với chuyển đổi số là vô cùng quan trọng, đây chính là phương thức hiện đại để kết nối giữa nhà sản xuất, người vận tải và người tiêu dùng, chưa kể là các nhà thương mại với nhau. Từ đó sẽ tạo ra môi trường pháp lý đầu tư minh bạch, môi trường hoạt động công bằng để việc luân chuyển vận chuyển hàng hóa ngày càng được hiện đại hóa. Theo ông Bằng, thay vì định hướng mang tính cạnh tranh với nhau trong hoạt động, thu hút đầu tư về lĩnh vực logistics, các địa phương, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, tạo sự kết nối, đồng bộ để cùng phát triển. Việc tạo ra sự kết nối giữa các địa phương, các doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự phát triển của ngành logistics, mà còn đem đến sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động, cũng như hạ tầng.
Cho rằng, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong chuyển đổi số do thiếu tính kết nối, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại Công ty SLP Việt Nam nhận định, vướng mắc lớn nhất đó chính là sự kết nối, tích hợp của các hệ thống cung cấp dịch vụ logistics hiện nay. Theo bà Diệp, phải xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang trong giai đoạn đồng bộ và hoàn thiện các hệ thống giao thông hay quy hoạch về các cảng biển, quy hoạch về kho bãi chưa có được quy chuẩn, còn nhiều phân tán, có thể thấy hệ thống kho bãi được quy hoạch chủ yếu ở miền Nam, chỉ có 30% được quy hoạch ở miền Bắc. Đây chính là những vướng mắc hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước và ảnh hưởng đến toàn bộ việc quản trị chuỗi cung ứng.
Tạo hệ thống kho bãi hiện đại
Theo các chuyên gia, một trong những điểm hạn chế của doanh nghiệp dịch vụ logistics là hệ thống kho bãi còn khiêm tốn, phân bổ chưa đồng đều. Điển hình như TPHCM là địa bàn trọng điểm phía Nam, nhưng hệ thống kho bãi phát triển chưa tương xứng. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, hiện nay, TPHCM có 1.505 kho hàng, trong đó 520 kho của doanh nghiệp sản xuất. Các kho hàng chủ yếu phát triển quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào nhu cầu của chủ hàng. Nhìn tổng thể các kho hàng và trung tâm phân phối tại khu vực TPHCM đang có xu hướng thu hẹp, chuyển dần về Bình Dương và Đồng Nai do hạn chế quỹ đất. Hệ thống kho lạnh chưa phát triển, ít doanh nghiệp đầu tư kho lạnh trong khi nhu cầu kho lạnh khá cao, dẫn đến khó thuê được kho lạnh và cước lưu kho cao.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, đối với kho bãi hiện đại, để sử dụng không gian một cách hiệu quả cho các bên vận hành, khách hàng, cần phải cắt giảm chi phí vận chuyển và gia tăng khả năng xử lý các đơn hàng.
Theo ông Hiếu, qua khảo sát của CBRE cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tận dụng thêm diện tích sẽ đạt được khi có thêm việc tự động hóa trong kho hàng, giúp xử lý các đơn hàng cũng như yêu cầu của khách hàng nhanh hơn. Với cơ sở vật chất kho bãi trước đây sẽ rất khó để tăng khả năng xử lý đơn hàng, do đó, đây chính là cơ hội tốt cho việc xây dựng những kho bãi hiện đại. Có thể thấy, trang thiết bị của kho bãi hiện đại có một tương lai tươi sáng để phát triển ở Việt Nam. Hiện tại những kho bãi một tầng vẫn đang khá phổ biến, tuy nhiên, những kho bãi 2-3 tầng cũng đang dần được mở rộng, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cũng như đáp ứng theo các tiêu chuẩn được yêu cầu bởi nhiều người dùng và khách hàng quốc tế, về các trang thiết bị trong kho bãi. Về xu hướng trong tương lai, ông Lê Trọng Hiếu nhận định gồm có 2 xu hướng đó là: Thứ nhất, là tự động hóa và công nghệ. Như đại diện Amazon đã nói, công nghệ đã giúp Amazon trở thành dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Nếu đến một nhà kho thông minh tự động như của Amazon, chúng ta sẽ cảm thấy giống như một “bản giao hưởng” của con người và máy móc làm việc cùng nhau.
Thứ hai, là xu hướng kho trữ lạnh. Đây là một cơ sở hạ tầng rất chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới gia tăng nhu cầu mua sắm online về rau củ quả, nhu yếu phẩm, thuốc men, dược phẩm. Mọi người ngày càng quan tâm đến an toàn chất lượng của thực phẩm, dược phẩm và Chính phủ cũng chú ý hơn đến khía cạnh này.
Theo các chuyên gia, thị trường logistics Việt Nam với sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ và có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa cung ứng được sâu vào chuỗi cung ứng, đây là một trong những khó khăn cần phải kể đến. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chỉ mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhờ thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp và đây là một trong những vướng mắc trong ngành logistics Việt Nam hiện nay.
Theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, ứng dụng công nghệ 4.0 được cho là một trong những công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn năng lực, hiệu quả nhưng thực tế đây là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp. Hiện đại hóa trong hệ thống vận hành quản lý kho vận để tạo nên một hệ thống quản lý chuyên nghiệp chính là sự kết hợp không chỉ ở cơ sở hạ tầng hiện đại kết hợp ứng dụng công nghệ mà là sự kết hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ kho vận hiện đại, chuyên nghiệp để tạo nên những giá trị cho ngành logistics để logistics thích ứng, phát triển mạnh mẽ.
Theo Hải quan