Có lẽ chưa bao giờ truyền thông lại dành nhiều thời gian và giấy mực để nói về “Khởi nghiệp” như vài năm trở lại đây. Đó dường như là một trào lưu thời thượng mà nhiều người khao khát chinh phục. Trong khi nhiều bạn trẻ ôm giấc mộng làm giàu để rồi bị thương trường “quật ngã” thì vẫn có những doanh nhân thành công, khẳng định được tên tuổi cá nhân và cùng với doanh nghiệp cống hiến trái ngọt cho xã hội.
“Ngô Hữu Tiệp – chàng kỹ sư công nghệ thông tin sinh năm năm 1983. Sau 15 năm bước chân vào lĩnh vực Xây dựng, từ vị trí là một nhân viên kĩ thuật, sale marketing đến Trưởng phòng Dự án, Tiệp đã tích lũy cho mình những kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Năm 2013, Giza E&C được thành lập và cho đến nay là một trong những Tổng thầu xây dựng công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Không dừng lại ở đó, chàng CEO vẫn ôm hoài bão xây dựng “Con tàu” Giza E&C không ngừng lớn mạnh.”

Là TGĐ của một tổng thầu hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng Công nghiệp, anh nhận định như thế nào về sự thay đổi cũng như tiềm năng phát triển của lĩnh vực này ?
Trước tiên, phải nói rằng những năm gần đây nền kinh tế nước ta có những bước phát triển ấn tượng, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho các kế hoạch mở rộng hay chuyển dịch sản xuất kinh doanh của mình, ngoài ra các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực đầu tư để nắm bắt những cơ hội mới.
Trong xu thế phát triển đó, thị trường xây dựng công nghiệp tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã chuyển biến. Từ một thị trường non trẻ với các nhà thầu chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng đáp ứng hạn chế với các yêu cầu kỹ thuật, giá thành còn bất cập… Việt Nam đang trở thành một thị trường cạnh tranh sôi động thực sự: các nhà thầu có uy tín, quy mô lớn, khả năng quản lý tốt, trang thiết bị máy móc, nhân lực đầy đủ và chuyên nghiệp hơn, khả năng hợp tác tốt hơn.
Ngoài ra, thị trường cũng có mức độ cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng, những doanh nghiệp chuyên nghiệp, có tâm, tài chính và quản trị tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội; những doanh nghiệp yếu kém, không chủ động vươn lên sẽ thất bại, sớm bị buộc rời khỏi thị trường.
Sự thay đổi đó ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của Giza E&C?
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dù với quy mô vô cùng nhỏ bé, đội ngũ lãnh đạo của Giza đã xác định quyết tâm lựa chọn khu vực thị trường khó tính nhất để phục vụ. Đó nhà những nhà đầu tư quốc tế, khách hàng nước ngoài giàu kinh nghiệm, mang theo những đòi hỏi và tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Chúng tôi phải chủ động học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những gì tân tiến nhất và quán triệt tinh thần đổi mới sáng tạo mỗi ngày. Đó cũng là một trong những lý do khách hàng quốc tế lựa chọn Giza E&C làm đối tác tổng thầu triển khai các dự án đầu tư mới và mở rộng cơ sở sản xuất của họ tại Việt Nam. Sự tin tưởng ấy mang đến sự phát triển mạnh mẽ cho Giza E&C.
Đồng thời, cùng với tinh thần tận tụy và chân thành khi phục vụ, Giza E&C đã trở thành những người bạn trong hành trình đầu tư của đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Chính khách hàng đề nghị mở rộng các hình thức hợp tác mới và khích lệ chúng tôi nắm bắt các cơ hội lớn hơn cùng họ.

Liệu có phải vì nhận ra những tiềm năng như vậy trong ngành công nghiệp nên anh mới từ một kỹ sư công nghệ chuyển qua ngành “bụi bặm” công trường như thế này? Hay còn có một nguyên nhân nào khác để anh chọn khởi nghiệp với bất động sản công nghiệp (BĐS CN) chứ không phải là bất động sản nhà ở hay nghỉ dưỡng…?
Là một kỹ sư công nghệ, tôi hiểu rằng các thành tựu công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ nghách của nền kinh tế, đến từng nhà, từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, động lực đằng sau sự phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế chính là con người với hoài bão, ý chí lớn. Những “bụi bặm” trên công trường hay trong nhà máy đều là những phần ẩn sau sự phát triển của công nghệ, kĩ thuật và đời sống con người.
Trên hành trình kinh doanh của mình, chúng tôi nhận định rằng việc tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa từ những cơ hội của thị trường và Giza E&C sẽ phát huy được hết sức mạnh và nguồn lực của mình.
“Chúng tôi lựa chọn làm những việc khó nhất, với các yêu cầu ngặt nghèo nhất và thực hiện tốt những việc đó với sự bền bỉ, thái độ tích cực, cầu thị”.
CEO Giza E&C – Ngô Hữu Tiệp
Khởi nghiệp vốn đã có nhiều chông gai. Nhưng việc phát triển doanh nghiệp khi đã có được chỗ đứng trên thị trường mới là bài toán khó. Vậy, những khó khăn, thách thức lớn nhất mà bản thân anh cũng như công ty phải đối mặt tại thời điểm này là gì?
Khi doanh nghiệp lớn lên, thách thức của việc vượt lên chính mình, tạo ra sản phẩm, dịch vụ ngày càng ưu việt hơn, hiệu quả hơn đúng là bài toán khó.
May mắn là Giza E&C có được sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết của toàn bộ công nhân viên, sự ủng hộ của các khách hàng, các cấp chính quyền. Đó là một nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp.
Chúng tôi lựa chọn làm những việc khó nhất, với các yêu cầu ngặt nghèo nhất và thực hiện tốt những việc đó với sự bền bỉ, thái độ tích cực, cầu thị. Giza E&C đã trở thành một tổ chức học tập, học tập và liên tục áp dụng những tiến bộ mới nhất trong nghành nghề của mình vào công việc.
Có lẽ khách hàng cảm nhận được tinh thần và năng lượng mạnh mẽ này nên đã cảm mến, đặt niềm tin vào chúng tôi.
“Cùng với tinh thần tận tụy và chân thành khi phục vụ, Giza E&C đã trở thành những người bạn trong hành trình đầu tư của đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Chính khách hàng đề nghị mở rộng các hình thức hợp tác mới và khích lệ chúng tôi nắm bắt các cơ hội lớn hơn cùng họ”.
CEO Giza E&C – Ngô Hữu Tiệp
Nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam sẽ có khả năng thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, quan điểm của anh về điều này?
Tôi cho rằng kể cả không có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thì việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và các nước Đông Nam Á- Nam Á, thậm chí là châu Phi, cũng vẫn diễn ra. Một là do vấn đề chi phí sản xuất, hai là bản thân Trung Quốc cũng đã có những thành tựu vượt bậc về khoa học – công nghệ nên sẽ dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hay sắp tới có thể lan sang các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có khả năng làm quá trình dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn, trong đó có Việt Nam, diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, nếu nói rằng Việt Nam sẽ có khả năng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới có lẽ là chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn chính xác.
Thứ nhất, quy mô dân số-lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% quy mô dân số-lao động của Trung Quốc. Nếu không có sự tiến bộ vượt bậc của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thì chúng ta không đủ quy mô để thay thế Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.
Thứ hai, Trung Quốc là thị trường khổng lồ, chính vì thế mà gần như tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đều mong muốn có sự hiện diện và sẵn sàng nhanh chóng phục vụ thị trường này.
Thứ ba, Trung Quốc có những lợi thế rất lớn từ kinh nghiệm hơn 40 năm phát triển kinh tế & công nghiệp được cả thế giới đánh giá rất cao và chúng ta phải nỗ lực rất lớn mới có thể đuổi kịp họ.
Vấn đề cần đặt ra lúc này ở Việt Nam là làm thế nào hợp tác tốt hơn với Trung Quốc và tất cả các đối tác khác trên thế giới để mang lại thêm cơ hội. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều hơn từ các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới và ngay tại Việt Nam.

Với những chính sách mới từ nhà nước và thị trường có nhiều điểm thay đổi, thì 2019 này, đâu sẽ là xu hướng mới của Bất động sản công nghiệp?
Việc Chính Phủ cùng với các địa phương tạo các điều kiện về quy hoạch, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đảm bảo tính ổn định, rõ ràng và hiệu quả của hệ thống hành chính sẽ giúp nâng cao tính hấp dẫn của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Các chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng chú ý nhiều hơn đến việc dự báo và đáp ứng các yêu cầu của các khách hàng, không chỉ từng khách hàng mà còn chú ý đến các nhóm khách hàng có liên quan đến nhau.
Chúng tôi nhận định rằng, từ cả phía quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghiệp và các đặc điểm, yêu cầu mới của các hãng công nghiệp muốn chọn Việt Nam làm nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra một bức tranh bất động sản công nghiệp với gam màu tươi sáng: không chỉ về quy mô, số lượng mà còn về tính liên kết, chiều sâu và chất lượng dịch vụ. Tất cả góp phần lan tỏa mạnh mẽ hiệu ứng tích cực của làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ chế, chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh doanh nhà thầu xây dựng KCN như anh? Nếu được đưa ra khuyến nghị gửi tới các cấp chính quyền, anh có mong muốn gì không?
Hoạt động của chúng tôi trong những năm vừa qua được sự ủng hộ giúp đỡ rất lớn từ các cơ quan đoàn thể từ trung ương tới địa phương. Giza E&C cũng có vinh dự được tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước để chủ động gặp gỡ, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của các khách hàng, đối tác tiềm năng.
Tinh thần chủ động hội nhập vươn lên của Chính phủ cũng đã lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Giza E&C. Với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động trên khắp cả nước, chúng tôi mong các cấp chính quyền tiếp tục đà cải cách mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và các thủ tục hành chính ngày càng minh bạch, đơn giản, thuận lợi. Ngoài ra, việc thúc đẩy chính phủ kiến tạo và phục vụ theo tinh thần của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ sớm lan tỏa và tạo hiệu ứng rộng khắp trên cả nước.
Cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của anh.
Trần Én