Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp. Kéo theo đó là hàng trăm ngàn công nhân tập trung tại một khu vực nhỏ. Từ trước tới nay, các vấn đề phát sinh do chưa có giải pháp đồng bộ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thu hút lao động. Mô hình Business Park ra đời là một mô hình được đánh giá hiệu quả trong việc giải quyết tệ nạn xã hội và thu hút người lao động tại các khu công nghiệp.
Nhu cầu chưa được giải quyết
Sự phát triển “nóng” của các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trong thời gian gần đây và dự kiến ngày càng nhiều kéo theo nhu cầu về chỗ ở tăng cao. Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, ước tính đến cuối năm 2019, có khoảng 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.
Hiện nay, cả nước có 330 KCN được thành lập, trong đó có 258 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68,8 nghìn ha và 72 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28,1 nghìn ha.

Việc thu hút người lao động tập trung tại các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn và rào cản. Một trong những khó khăn lớn nhất của các đơn vị sản xuất là điều kiện sinh hoạt, giải trí và ăn ở cho người lao động tại các KCN. Điều kiện càng tốt, KCN càng có sự thu hút cao đối với công nhân. Các KCN chỉ phát triển bền vững khi đảm bảo được nguồn lao động nhập cư (từ nơi khác đến).
Đa số người lao động ở các KCN sống di cư độc thân (xa nhà và không kèm theo gia đình) nên việc đảm bảo những hoạt động vui chơi giải trí, chỗ ăn ở đầy đủ đảm bảo là nhu cầu cơ bản tối thiểu cho các đối tượng lao động di cư này. Trước đây, việc phát triển một khu công nghiệp kéo theo việc thay đổi lĩnh vực kinh doanh và dòng chảy tiền tệ của người dân xung quanh khu công nghiệp. Các hoạt động thay đổi đó nằm trong việc chuyển dịch từ làm nông nghiệp sang làm công nhân. Từ thu nhập thuần túy nông nghiệp sang thu nhập từ cho thuê nhà trọ, bán hàng nhỏ lẻ. Việc xuất hiện các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, cộng với nhu cầu lớn cho ngành dịch vụ giải trí tập trung tại quy mô khu vực nhỏ dẫn đến hình thành các hình thức tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc.
Giải pháp đồng bộ từ Business Park
Theo kinh nghiệm trên thế giới và theo các nghiên cứu của Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa KT&QH, Trường ĐHXD, các KCN chỉ phát triển bền vững khi có sự phát triển đồng bộ giữa các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường. Như vậy, nếu chỉ đảm bảo sản xuất và môi trường như các KCN theo mô hình cũ, việc phát triển sẽ không đảm bảo sự bền vững. Các khu chức năng hạ tầng xã hội như trường học, chợ, bệnh viện, trung tâm giới thiệu việc làm, ngân hàng, câu lạc bộ, công viên,… và nhà ở cần phải được phát triển đồng bộ với các chức năng sản xuất và thương mại. Đó chính là giải pháp giữ chân người lao động tại các KCN hiện nay.
Vấn đề cơ bản trong việc phát triển các KCN theo mô hình cũ thành các Business Park thế hệ mới chính là việc phát triển thêm các các tiện ích công cộng, không gian cộng đồng và nâng cao chất lượng không gian, môi trường làm việc.
Quy mô diện tích tăng, mật độ xây dựng giảm, tỷ lệ các không gian mở tăng, số lượng các tiện ích gia tăng cùng các giải pháp quy hoạch, thiết kế linh hoạt hoàn toàn có thể sử dụng trong trường hợp này. Điều đó cũng có nghĩa là không nhất thiết phải thay đổi, chuyển đổi chức năng ban đầu của các khu vực chức năng, các công trình xây dựng mà có thể vẫn sử dụng chúng trong một tổng thể không gian đa chức năng mới với chất lượng quy hoạch, thiết kế mới.

Khu nhà ở công nhân ra đời sẽ góp phần giải quyết vấn đề chỗ ở cho công nhân lao động, gián tiếp hỗ trợ chi phí và tạo nguồn nhân lực dồi dào cho các doanh nghiệp hiện đang sử dụng nhiều lao động trong khu công nghiệp điển hình như Tổ hợp Samsung Việt Nam. Ngoài ra còn rút ngắn thời gian di chuyển cho người lao động cũng như gián tiếp giảm lưu lượng giao thông trên đường, góp phần giảm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm là vấn đề xã hội đang vô cùng bức xúc hiện nay.
Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường: “Phát triển BĐS công nghiệp đó chính là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư hiện nay. BĐS công nghiệp không chỉ thu hút những người quan tâm đến khu công nghiệp mà còn thu hút các nhà đầu tư BĐS khác như về nhà ở, các loại dịch vụ khác để có thể phát triển trở thành khu đô thị.”
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, đô thị của một nước công nghiệp phải gắn với sản xuất công nghiệp. Mô hình VSIP (Mô hình khu công nghiệp kiểu Việt Nam – Singapore) phát triển đô thị gắn với phát triển khu công nghiệp tạo ra hình thức phát triển đô thị và quan tâm đến môi trường.
Mô hình VSIP phát triển lên thành những đô thị lớn giải quyết tốt vấn đề môi trường và trong lòng là phát triển công nghiệp là điều các nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Những đô thị kiểu như vậy mới là đô thị bền vững.
Giáo sư Võ cho rằng, đẩy KCN theo tư duy cũ là công nghiệp gắn với đô thị sẽ trở lại với mức độ cao hơn với hình thức đô thị – công nghiệp “phát triển xanh”. Đó là tư duy rất đúng hướng, Việt Nam cần tập trung vào mô hình này. Đây là mô hình của tương lai bởi vì 1 đô thị sống được phải nhờ công nghiệp.
Phương Tú – Thuận Caro