Cho dù cả thế giới đang bị suy thoái với sự ảnh hưởng tàn bạo của đại dịch Covid 19, thì tại Việt Nam, với những định hướng dài hạn, đang có nhiều cơ hội để nắm bắt thời cơ và bứt tốc mạnh mẽ trong nền sản xuất công nghiệp, tiền đề cho việc thành công từ những thương vụ đầu tư bất động sản công nghiệp.
Biến rủi ro thành thời cơ
Đại dịch Covid 19 bùng phát một cách bất ngờ và mạnh mẽ, tuy thiệt hại về kinh tế tại các quốc gia trên thế giới đang rất lớn nhưng cũng phù hợp với chu kỳ đại suy thoái 10 năm một lần. Việc vực dậy của các ngành sản xuất sau thời kỳ suy thoái thường được chú trọng và đẩy mạnh từ các chính phủ, các đơn vị hoạt động kinh tế.
Đối với Việt Nam, đất nước đang trên đà phát triển để trở thành một công xưởng mới, thu hút các nhà đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam chứ không lựa chọn Trung Quốc nữa. Việc chuyển đổi này diễn ra trong thời gian khoảng một đến hai thập kỷ, và lịch sử cho thấy cứ mỗi lần suy thoái, thời gian chuyển đổi khu vực sản xuất lại tăng nhanh gấp đôi. Lý do là các chủ doanh nghiệp muốn đẩy mạnh việc tận dụng nhân công giá rẻ nhanh chóng hơn để giảm giá thành sản xuất nhằm phù hợp với nền kinh tế sau suy thoái.

Việt Nam cũng đã có những sự chuẩn bị rõ nét để đón chào các nhà đầu tư chuyển dịch vùng sản xuất đến Việt Nam, tuy nhiên sự chuẩn bị này vẫn còn đặt trong trung hạn, từ 5 đến 8 năm nữa mới là điểm rơi của thời điểm các nhà đầu tư ồ ạt chuyển dịch nhà máy sản xuất đến Việt Nam. Với sự tác động của đại dịch Covid 19, việc chuyển dịch và phân tách nhà máy sẽ nhanh chóng được thúc đẩy trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Những hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ
Khi Trung Quốc tạm dừng thông thương do ảnh hưởng của dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu do quá phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc.
Nhằm khắc phục những điểm yếu này, Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp, đặc biệt là trong dài hạn để có thể ổn định nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.
Trong các đề xuất này, Bộ Công thương đặc biệt nhấn mạnh vào việc phát triển nền công nghiệp hỗ trợ, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất các địa phương tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghiệp, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp.
Bộ Công thương còn đề nghị Thủ tướng Chính Phủ tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam.
Lợi thế khi Trung Quốc bị tẩy chay
Trên thế giới, những hoạt động của Trung Quốc khi đại dịch Covid 19 đã khiến nhiều quốc gia quay lưng với Trung Quốc. Các nước châu Âu đã nhận thấy tầm nhìn của Mỹ khi tìm các phương án để chuyển dịch sản xuất tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ tổ chức tự sản xuất, như Pháp, Đức, Ý… nhưng đây chỉ là tuyên bố thời điểm, việc tổ chức tự sản xuất của các quốc gia có lợi thế về vốn, hoàn toàn không có lợi thế khi giá nhân công cao sẽ khiến các quốc gia mất đi lợi thế cạnh tranh khi sản xuất.
Việc quay lưng với Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia châu Âu và Mỹ cần tìm đến một đất nước khác vẫn còn nhân công giá rẻ để đặt hàng sản xuất. Điều này thúc đẩy nhanh chóng thời cơ “gieo hạt giống may mắn” đến với Việt Nam.
Như vậy, dù vẫn đang căng mình chống dịch trước đại dịch Covid 19, Việt Nam cũng cần nhanh chóng chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, nhằm đón đầu thời cơ chuyển dịch ồ ạt dòng tài chính đầu tư sản xuất của các nước tư bản phân tán từ Trung Quốc. Những chuẩn bị của Việt Nam là dành cho thời kỳ từ 2022, 2023 trở đi, tuy nhiên, với sự thúc đẩy của đại dịch, chúng ta cần nhanh chóng gấp rút chuẩn bị để dòng chảy đầu tư thay đổi ngay từ cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Phương Tú – Thuận Caro