“Với sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt nam cũng như sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng tiêu thụ nội địa, thị trường bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics tại Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi cho tăng trưởng vượt bậc”.
Đó chính là nhận định của Ông Jeffrey Perlman – Giám đốc Điều hành và Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WP (Warburg Pincus (WP) – “ông lớn” tiên phong trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Thị trường Bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam đang “chuyển mình”
Theo thống kê của Công ty quản lý bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL), thời kỳ bắt đầu mở cửa năm 1986, Việt Nam chỉ có khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp, nhưng cho đến nay, theo con số thống kê của Vụ Quản lý các Khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, hiện cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 96.300 ha. Trong đó, 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt bình quân gần 85% và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp cả nước sẽ tăng gấp đôi quy mô hiện tại. Đây chính là minh chứng sinh động nhất về sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu công nghiệp và cũng là yếu tố tạo đà cho sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp thời điểm hiện tại.

Những năm qua, kinh tế Việt Nam cũng có những bước tăng trưởng khá mạnh mẽ. Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này, việc tham gia vào 18 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đồng thời với đó là chiến lược quy hoạch cụ thể sự phát triển của các khu công nghiệp và kinh tế đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ qua việc phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đây chính là những yếu tố góp phần thu hút lượng vốn đầu tư đáng kể từ các doanh nghiệp FDI.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.
Theo ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của Thế giới?
Chi phí sản xuất thấp (dưới 1 USD/giờ), thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia là một trong những nguyên nhân khiến bất động sản khu công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đặc biệt, những mối quan ngại về cuộc “chiến tranh” thương mại Mỹ – Trung, cùng với đó là chiến lược “né” khỏi cuộc đối đầu này đã khiến dòng vốn đầu tư ở các nước bao gồm Mỹ và Trung Quốc “chảy” vào Việt Nam.

Bởi dù có đình chiến hay không, việc mức thuế 25% áp lên 250 triệu đô la mỹ hàng hóa Trung Quốc đến từ cuộc chiến tranh thương mại đã và đang cản đường các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà máy sản xuất tại quốc gia này. Trong khi đó, những quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng tiếp theo của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI đang có xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam, mở ra cơ hội to lớn cho lĩnh vực BĐS công nghiệp trong thời gian tới.
Đây chính là yếu tố mấu chốt để các Chuyên gia Kinh tế và BĐS đưa ra nhận định, năm 2019 sẽ là năm Bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam thực sự “cất cánh”.
Theo Ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial: “Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây. Sự bùng nổ trong bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã hiện rõ trong tương lai khi những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas, tỷ trọng trước đây phần lớn nằm ở Trung Quốc thì hiện nay đang chuyển dần về Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có nguồn cung về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp chất lượng rất tốt.”
Đồng tình với quan điểm này, Đại diện Savills Việt Nam cho biết: “Có đến 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, sẽ mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khi tiếp xúc với chúng tôi cũng cho biết, đang có xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam, mở ra cơ hội to lớn cho lĩnh vực Bất động sản Khu công nghiệp trong thời gian tới”.
Hiện thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác, đang trong giai đoạn mới phát triển. Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời với làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam./.