Tính đến tháng 11/2018, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định thu hút được 175 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 7.412 tỷ đồng và 775,2 triệu USD; vốn thực hiện là 4.219 tỷ đồng, bằng 57% vốn đăng ký và 457,6 triệu USD, bằng 59% vốn đăng ký. Những con số này là minh chứng rõ nhất cho sự hấp dẫn của khu công nghiệp tỉnh Nam Định, làm “bàn đạp” cho sự phát triển trong năm 2019 khi mà bất động sản công nghiệp được dự đoán sẽ là phân khúc được lên ngôi.
Triển vọng thị trường “chắp cánh” cho tiềm năng phát triển
Nền kinh tế năm 2019 được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng và mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những năm qua đạt mức trung bình 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và vẫn đang tiếp tục xu hướng gia tăng sẽ tạo ra nhiều động lực cho thị trường bất động sản.
Theo dự báo thị trường bất động sản năm 2019 của các chuyên gia, Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đặt nhà máy, mở rộng nhà xưởng tại Việt Nam mang đến cơ hội phát triển tốt cho loại hình bất động sản khu công nghiệp.
Ở Hà Nội các khu công nghiệp hiện đã có tỷ lệ lấp đầy trung bình đã đạt mức rất cao 95,1%, tại TP.HCM tỷ lệ này cũng lên mức 82% và hơn một nửa các khu công nghiệp của TP.HCM đã có tỷ lệ lấp đầy đến 100% tập trung tại quận 2, 9,12, Tân Phú và Thủ Đức. Việc các khu công nghiệp tại các thành phố lớn đã lấp đầy cùng quỹ đất hẹp sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của khu công nghiệp các tỉnh, đặc biệt là những tỉnh đang có nền công nghiệp phát triển và thu hút được vốn FDI cao như: Nam Định; Bắc Giang; Hà Nam; Vĩnh Phúc,…

Bất động sản công nghiệp cũng nhận được lực thúc đẩy nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và Việt Nam có lợi thế chi phí sản xuất thấp.
Đặc biệt, từ năm 2015, xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã diễn ra vì chí phí lao động tăng cao. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn. “Việt Nam hưởng lợi là vì “vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc, thuận lợi cho lưu thông đường bộ”, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, là một trong những thị trường công nghiệp phát triển nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam có vị thế tốt để đón nhận dòng chảy của các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Tư vấn JLL cũng nhận định rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo tiềm năng lớn cho Việt Nam để chào đón làn sóng đầu tư công nghiệp mới. Cụ thể, công ty này dự báo: “Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê đất dự kiến sẽ đạt bước tiến lớn trong năm 2019”.
Nam Định: Triển vọng về một thị trường bất động sản công nghiệp phát triển
Năm 2017, thông qua việc cấp phép đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 với vốn đăng ký 2.072 triệu USD, Nam Định lần đầu tiên có tên trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Tính đến tháng 7/2018, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn của Nam Định đạt trên 2.688 triệu USD, đầu tư trong nước đạt 4.724 tỷ đồng. Chỉ hơn 2 năm, tổng vốn FDI đã tăng 6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.
Tính đến tháng 9/2018, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 09 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 2.000 ha; trong đó có 04 KCN đi vào hoạt động (KCN Hòa Xá, KCN Mỹ Trung, KCN Bảo Minh, KCN Rạng Đông) với tổng vốn đầu tư hạ tầng đã đăng ký (của 4 KCN) là 6.290 tỷ đồng. Hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư đồng bộ và hiện đại.

Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong các KCN ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ và hiện đại. Hiện Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh đáp ứng đủ nhu cầu xả thải từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN; các khu nhà ở tại KCN Bảo Minh, KCN Hòa Xá đã xây dựng xong, có thể đáp ứng cho 3.000 chỗ ở cho NLĐ.
Hiện tại, KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh đã cho thuê 100% diện tích đất trong KCN, KCN Mỹ Trung cho thuê lại gần 30% diện tích, KCN Rạng Đông đang xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp.
Một số dự án có số vốn đầu tư lớn vào khu công nghiệp tại Nam Định như: Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I (vốn đăng ký là 2.072,2 triệu USD) và Nhà máy chuyên sản xuất các loại sản phẩm từ da của Công ty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) với vốn đầu tư đăng ký trên 50 triệu USD. Dự án Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định tại KCN Bảo Minh với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD….
Dựa trên tình hình đầu tư các khu công nghiệp trong thời gian gần đây, Nam Định đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch đặt nhà máy, mở rộng xưởng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, mang đến cơ hội phát triển tốt cho loại hình bất động sản khu công nghiệp, đảm bảo cho một thị trường hứa hẹn trong tương lai gần./.