Nam Định đang nổi lên như một điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp mà còn là bất động sản. Một trong những yếu tố quan trọng tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư đến từ chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp của tỉnh nhà.
Đột phá trong thu hút đầu tư
Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các khu công nghiệp tại địa phương. Từ đó tạo ra “sức hút” cho thị trường bất động sản công nghiệp của tỉnh, đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh thành có bất động sản công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư nhất.
Tính đến tháng 7/2018, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 2.688 triệu USD, đầu tư trong nước đạt 4.724 tỷ đồng. Chỉ hơn 2 năm, tổng vốn FDI đã tăng 6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Riêng năm 2017, thông qua việc cấp phép đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 với vốn đăng ký 2.072 triệu USD, Nam Định lần đầu tiên có tên trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI.
Đến tháng 9/2018, Nam Định có 98 dự án FDI còn hiệu lực, phần lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chỉ có một số dự án đầu tư theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các dự án FDI có mặt ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 09 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó có 04 KCN đi vào hoạt động (KCN Hòa Xá, KCN Mỹ Trung, KCN Bảo Minh, KCN Rạng Đông) với tổng vốn đầu tư hạ tầng đã đăng ký (của 4 KCN) là 6.290 tỷ đồng. Hiện tại, KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh đã cho thuê 100% diện tích đất trong KCN, KCN Mỹ Trung cho thuê lại gần 30% diện tích, KCN Rạng Đông đang xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp.

Tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào các KCN như: Miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… đã thu hút nhiều nhà đầu tư, được nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia “khó tính” như Nhật Bản, Hoa Kỳ… đánh giá cao.
Đi đôi với tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tỉnh Nam Định dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt, thuận tiện, nhanh chóng với hệ thống giao thông quốc gia, vùng, hệ thống cảng hàng không, cảng biển; hệ thống lưới điện được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện thủ tục Dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình, Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định…
Chính sách “rộng cửa” để đón nhà đầu tư
Nam Định đang đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng. Để đón làn sóng đầu tư, một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh Nam Định hướng tới là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông-năng lượng, công nghệ thông tin) ở các địa phương.
Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, lựa chọn dành vị trí các khu công nghiệp nằm trên các trục đường huyết mạch nên rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Ông Kenny Tang, Giám đốc Công ty TNHH Santa Clara (Hồng Công, Trung Quốc), sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao đóng tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên nhìn nhận: “Các cấp chính quyền địa phương tại Nam Định đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục đầu tư, do đó chỉ trong khoảng một năm, doanh nghiệp đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hạ tầng giao thông, mạng lưới điện phục vụ sản xuất, tình hình an ninh trật tự bảo đảm đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đạt hiệu quả kinh doanh.”

Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tới năm 2020, tầm nhìn 2025 với 56 cụm công nghiệp, diện tích quy hoạch là 1.588ha.
Ông Trần Văn Chung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, cho biết, thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tập trung thực hiện cải cách hành chính trên các lĩnh vực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính gắn với việc công khai, minh bạch thông tin. Triển khai xây dựng mạnh mẽ chính quyền điện tử với nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp được nhìn nhận như một kênh đầu tư hấp dẫn, giàu tiềm năng. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, các địa phương cần có những chính sách, chiến lược ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù phù hợp với vùng miền, địa phương. Với những thuận lợi tối đa từ chính sách cộng với những lợi thế sẵn có về phát triển khu công nghiệp, Nam Định đang trở thành thị trường tiềm năng của bất động sản công nghiệp, trở thành “điểm hẹn” mới cho các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội./.