Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ngay sau đó, một thành viên của “gã khổng lồ” LG, vừa quyết định rót thêm 1 tỷ USD để tăng gấp đôi công suất tại Hải Phòng.
Bất động sản công nghiệp hút thêm dòng vốn tỷ USD
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa qua được dự báo sẽ kéo theo dòng vốn tỷ USD từ Hàn Quốc đổ vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, thổi thêm hơi nóng vào một lĩnh vực vốn đang ngày càng gia tăng sức ép cạnh tranh.
Điển hình phải kể đến nhà sản xuất linh kiện điện tử LG Innotek vừa quyết định rót thêm 1 tỷ USD để tăng gấp đôi công suất tại Hải Phòng. Sau khi tăng vốn, LG Innotek dự kiến tạo ra 2.600 việc làm mới, lợi nhuận đạt 400 triệu USD/năm.

Đáng chú ý, quyết định nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp Việt Nam của LG Innotek diễn ra chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Tập đoàn LG, ông Koo Kwang-mo tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol sang thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, cùng với các tên tuổi khác như Samsung, SK, Hyundai Motor, Hyosung, Lotte…
Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung khẳng định coi Việt Nam là thị trường bất động sản công nghiệp chiến lược, trọng điểm sau hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động. Trong thời gian tới, “ông lớn” đa ngành này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.

Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bất động sản công nghiệp
Trong 2 quý đầu năm 2023, khi dòng vốn FDI có chiều hướng giảm, nhiều người đã lo rằng bất động sản công nghiệp có thể rơi vào một giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, dòng vốn tỷ USD từ các “đại bàng” công nghiệp Hàn Quốc đang giúp lĩnh vực này tăng nhiệt trở lại.
Mặc dù tiềm năng của bất động sản công nghiệp là rất rõ ràng, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, để duy trì được sức hút, theo chuyên gia, các nhà đầu tư cần tiếp tục nâng cao chất lượng, trang bị đầy đủ công nghệ, hạ tầng, giao thông…
Hiện các doanh nghiệp Bất động sản công nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp. Điển hình phải kể đến “vua thép” Hòa Phát (HPG) đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, với diện tích quy hoạch 216ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp.

Hiện, “vua thép” vận hành 3 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp Phố Nối A quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), khu công nghiệp Hòa Mạc 131 ha (Hà Nam), khu công nghiệp Yên Mỹ II 313,5ha (Hưng Yên). Tổng quỹ đất khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch là 1133,44 ha.
Cần nói thêm, lợi thế của Hòa Phát khi lấn sân sang bất động sản công nghiệp là có nhiều tiền mặt. Theo thống kê tại thời điểm 31/12/2022, Hòa Phát đang có 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm hơn 26.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng).
Trong giai đoạn thị trường khó khăn, sức mạnh từ tiền mặt sẽ mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động M&A, hợp tác đầu tư. Vì vậy, việc “vua thép” đặt mục tiêu cao vào bất động sản công nghiệp cho thấy phân khúc này đang có sức hút rất lớn.
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp, Savill Việt Nam, dự báo tỷ lệ trống của bất động sản công nghiệp có thể tăng trong thời gian tới, tuy nhiên khó khăn sẽ chỉ là ngắn hạn. Năm 2023, thị trường vẫn ghi nhận nhiều cơ hội, đặc biệt với xu hướng “Trung Quốc + 1”.
“Với các yếu tố nền tảng về kinh tế, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, chi phí lao động, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đặc biệt, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế nhờ chiến lược di dời địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp”, ông Thomas Rooney nhận định.

Ông Phạm Trường Sơn, trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho rằng sau thời gian dài chỉ chú trọng về mặt số lượng, cạnh tranh bằng giá thuê rẻ, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cần hướng tới phát triển bất động sản công nghiệp có nhà xưởng hiện đại, có khả năng cung ứng những dịch vụ có chất lượng quốc tế với mức giá cạnh tranh.
“Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thế hệ mới cần có thêm nhiều tính năng về logistics, kho bãi, nhà xưởng, đặc biệt chức năng về đô thị dịch vụ… để tăng sức hút, đặc biệt là các đại gia tỷ USD”, ông Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.