Năm 2019, bất động sản công nghiệp được nhận định có cơ hội đặc biệt phát triển và sẽ trở thành làn sóng mới của thị trường bất động sản. Tăng trưởng kinh tế tích cực cùng sự gia tăng của dòng vốn ngoại đã có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản công nghiệp Bắc Giang. Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê đất công nghiệp được dự báo có nhiều hứa hẹn và triển vọng trong năm 2019.
Nhu cầu từ thị trường
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, Bắc Giang đã thu hút 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 1656 tỷ đồng, 50 dự án FDI với tổng vốn 145,5 triệu USD, có 36 dự án điều chỉnh với vốn bổ sung 326,3 triệu USD. 2018 cũng là năm Bắc Giang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục chưa từng có với chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt 16,1%, ước thu ngân sách nhà nước đạt 8.961 tỷ đồng (bằng 140,7% dự toán năm, bằng 141,2% so cùng kỳ), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cũng tăng 3 bậc từ vị trí 33/ vươn lên vị trí 30/63 tỉnh, thành phố.
Theo chiến lược phát triển đến năm 2030, Bắc Giang sẽ quy hoạch mới 7 khu công nghiệp, tập trung vào các dự án FDI, đồng nghĩa với việc tỉnh này sẽ đón thêm rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới đặt trụ sở và nhà xưởng sản xuất. Cùng với việc gia tăng của các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với việc phát triển của nền công nghiệp tỉnh nhà cũng góp phần đẩy nhu cầu về việc thuê và mua bán nhà xưởng tại các khu công nghiệp, kích thích thị trường bất động sản công nghiệp Bắc Giang phát triển mạnh, trở thành mảnh đất màu mỡ hấp dẫn nhiều “ông lớn” đầu tư.

Theo các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Bắc Giang sẽ là một con số đầy triển vọng và hứa hẹn trong năm 2019.
Bắc Giang – “miếng bánh ngon” cho nhà đầu tư
Tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Đông Bắc và là một trong các tỉnh quy hoạch nằm trong vùng thủ đô.
Với địa hình đa dạng (có cả đồng bằng, trung du, miền núi), giao thông thuận tiện, Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp điện tử, thiết bị điện, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp cơ khí, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 6 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng gồm khu công nghiệp Đình Trám với diện tích 127 ha, khu công nghiệp Quang Châu với diện tích 426 ha, khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng với diện tích 160 ha, khu công nghiệp Vân Trung với diện tích 351 ha, khu công nghiệp Việt Hàn với diện tích 101 ha, khu công nghiệp Hòa Phú với diện tích 207,4 ha.
Trong số này, tại khu công nghiệp Đình Trám hiện có 119 doanh nghiệp đầu tư với 61 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.730 tỷ đồng; 58 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 325 triệu USD. Khu công nghiệp Quang Châu hiện có 18 doanh nghiệp đầu tư; trong đó 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.286 tỷ đồng, 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.756 triệu USD.
Ngoài ra, khu công nghiệp Vân Trung có 54 doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 737 triệu USD. Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng có 33 doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 826 tỷ đồng và trên 255 triệu USD. Các khu công nghiệp còn lại là Hòa Phú, Việt Hàn hiện còn đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

Hơn nữa, Bắc Giang định hướng quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp mới trên địa bàn trong giai đoạn 2020 – 2030, từng bước đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có ngành công nghiệp phát triển. Theo đó, tỉnh định hướng quy hoạch mới các khu công nghiệp sau (trong số này đã có 5 khu công nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định): Khu công nghiệp Nham Sơn, huyện Yên Dũng với diện tích 200 ha; khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng với diện tích 200 ha; khu công nghiệp Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa với diện tích 200 ha; khu công nghiệp Tân Thịnh – Quang Thịnh – Hương Sơn, huyện Lạng Giang với diện tích 150 ha; khu công nghiệp Bắc Lũng, huyện Lục Nam với diện tích 200 ha; khu công nghiệp Khám Lạng – Yên Sơn, huyện Lục Nam với diện tích 200 ha; khu công nghiệp Xuân Phú – Hương Gián, huyện Yên Dũng với diện tích 200 ha.
Đặc biệt, để tạo động lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung là phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đã được khởi công xây dựng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Đường ĐT293 và các tuyến nhánh, Dự án xây dựng cầu Đồng Sơn, Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai IV (đoạn qua tỉnh Bắc Giang)…. Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng 03 cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp như: Cảng xăng dầu tại Quang Châu, huyện Việt Yên; cảng tổng hợp Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang và Cảng thủy nội địa xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Trong bối cảnh dự báo bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc có sự phát triển sôi động nhất trong năm 2019, thì việc sở hữu những lợi thế này đã đưa Bắc Giang trở thành “miếng bánh ngon” mà bất kỳ nhà đầu tư bất động sản công nghiệp sành sỏi nào cũng khó có thể bỏ qua./.